Xem Nhiều 3/2024 # Nỗi Lo Khi Cá Bò Hòm Được Thực Khách Ưa Chuộng # Top Yêu Thích

Hiện đang là cao điểm mùa du lịch nên du khách đổ về phố biển Nha Trang rất đông. Phần đông du khách không chỉ đến tắm biển, mà còn có thú vui săn lùng các loài hải sản vừa ngon vừa lạ như tôm vỗ, cua huỳnh đế, cá ông binh… và đặc biệt là cá bò hòm. Trào lưu này đã khiến loài cá chuyên sống ở các rạn ghềnh tại vùng biển được đánh giá là 1 trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới ngày càng giảm!

Tầm nã trên bờ…Chiều tà là thời điểm các quán nhậu hải sản ở Nha Trang trở nên xôm tụ vì sự xuất hiện ồ ạt của du khách sau ngày dài vui thú với sóng nước, muốn kiếm món bỏ bụng. Xuất phát tại một khách sạn trên đường Trần Phú, Hải, du khách đến từ TP HCM cùng nhóm bạn quyết định đến khu Bãi Tiên săn bò hòm. “Mấy món tôm cua cá mực thường quá rồi” – Hải nói: “Bây giờ phải là bò hòm mới đúng điệu”.

Qua cầu Trần Phú 2 – cây cầu vắt ngang biển, đi qua làng chài xóm Cồn nơi bác sĩ Yersin từng sinh sống, đã thấy hàng loạt quán nhậu đặc sản có những cái tên “khêu gợi” như Biển Xanh, Biển Gọi, Đại Dương, San Hô… Để mê hoặc khách, các ông bà chủ tung hàng loạt rổ mẹt nghêu, sò, ốc, hến, cá tôm các loại còn tươi roi rói trên những chiếc bàn gỗ phía trước. Trong mùi hải sản được hấp nướng ngào ngạt, Hải hất hàm hỏi bà chủ có vóc dáng phốp pháp: “Có bò hòm không?” và sầm mặt khi nghe câu trả lời: “Thằng đó phải dặn trước mới có”.

Lan – tên bà chủ – cho biết, dân địa phương còn gọi cá bò hòm là “cá thiết giáp” vì vóc dáng vừa trông giống cái hòm, vừa giống chiếc xe bọc thép. Bà chủ tặc lưỡi: “Gan béo hơn gan ốc hương, thịt dai, thơm, ngọt hơn thịt gà nên thằng thiết giáp này hút hàng dữ lắm. Cách đây 2 năm, một ký thiết giáp chưa đến năm chục (50.000 đồng). Bây giờ loại tươi sống từ một ký trở lên dù giá đến ba bốn trăm nhưng khách vẫn chấp nhận chơi. Vậy nhưng không có hàng để bán”.

Nối liền giữa Di tích Tháp Bà Ponagar và bãi biển Xóm Cồn, đường Tháp Bà có hơn chục quán nhậu chuyên bán ốc các loại và đặc biệt là loài cua huỳnh đế có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Khi quá mệt mỏi với 5 cú lắc đầu, cuối cùng Hải và nhóm bạn cũng được toại nguyện với những con cá bò hòm có cái miệng chúm chím chảy mỡ xèo xèo khi được nướng trên lửa hồng. Chủ quán tên Mai chép miệng: “Số mấy chú may đó. Mấy con này do mấy ông khách đặt trước, nhưng do có việc bận nên chịu mất tiền cọc”.

Ruồng bố dưới biển

Cá bò hòm lên cơn sốt với giá cả liên tục leo thang đã kích thích ngày càng nhiều ngư dân ở Khánh Hòa tham gia đánh bắt. Tại cảng cá Hòn Rớ, ông Trần Mười từng là chỉ huy của đội tàu 3 chiếc chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương nay “đắp chiếu” vì xăng dầu tăng giá chóng mặt kham không nổi, tâm sự: “Mỗi chuyến đi bạn kéo dài cả tháng trời chỉ được chưa đầy hai triệu đồng nên dân đi bạn bỏ thuyền đổ xô lặn biển. Trước đây, tụi hắn săn cá bò sừng, bò giáp và giờ là bò hòm”.

Dứt lời, ông Mười đưa tôi sang thăm “đệ tử” Sáu Đẹn từng đi bạn với ông hơn chục năm nay chuyển nghề thợ lặn, nổi tiếng với biệt tài đánh hơi bò hòm. Nghe hỏi chuyện về giống cá có thân hình như chiếc quan tài, người đàn ông có gương mặt sạm đen hướng ánh mắt về phía biển, chép miệng: “Giống này nghiệt lắm! Do nó sống trong các rạn đá nên lưới bọng chẳng làm gì được. Nếu không thiện xạ, không lặn giỏi thì đừng mơ tóm được”.

Cá bò hòm được bày bán với giá trên trời tại đầu đường Phương Sài.

Trên chiếc thúng chai chòng chành tiến ra biển đánh bắt “đương kim” đặc sản, Sáu Đẹn bật mí kỹ thuật săn bò hòm: “Do có tính đa nghi như Tào Tháo nên hễ thấy có dấu hiệu bất thường là bò hòm rúc sâu vô rạn. Trước đây để lôi nó ra ghềnh, thợ lặn hoặc ngắm bắn bằng súng bắn cá hoặc dùng một ngọn lao có hình móc câu móc vào mang giật mạnh. Nhược điểm của chiêu bắn, móc là con cá bị chết, lại không còn nguyên vẹn nên mất giá trị. Sau tụi tui cải tiến phương pháp đánh bắt, trước tiên mình chèo thuyền đến khu vực nghi có bò hòm sinh sống rồi dùng mái chèo đập mạnh trên mặt nước. Bị âm thanh này dội ngược, nó chịu không nổi thường quẩy đuôi ra ngoài. Tiếp đó mình đeo kính lặn sâu cỡ 5 sải tay. Hễ thấy thằng nào ló dạng là dùng vợt phủ giật”.

Coi chừng thảm cảnh lặp lại

Hôm đó, dù lặn cật lực hơn 4 giờ đồng hồ trong nước lạnh – gió buốt, nhưng Sáu Đẹn cùng nhiều chiến hữu khác đành vào bờ tay trắng. Sáu Đẹn thở dài: “Lúc mới rộ, bò hòm thiếu gì. Sau do khách lùng ăn, phần do đầu nậu thu gom đưa vào Sài Gòn nên phường đánh bắt mỗi lúc một đông nên hiếm. Ớn nhất là đám người nhái. Tụi nó có thể phục cả giờ dưới nước nên không chỉ bò hòm mà bất kỳ con gì dưới biển một khi lọt vô mắt tụi nó đều không thể thoát”.

Số phận bi đát của những con cá bò hòm tại vùng biển Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung khi lên cơn sốt đã gợi cho chúng tôi nhớ đến bi kịch của chính loài cá này tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cách đây vài năm. Do có hệ thống rạn ghềnh trải dài nên vùng biển tại địa phương này có rất nhiều cá bò hòm sinh sống. Rồi khi cơn lốc thưởng thức của lạ từ du khách lắm tiền tràn đến, cá bò hòm bị đánh bắt vô tội vạ và chỉ một năm sau đó, loài cá này đã gần như biệt tích.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ thì trong tương lai gần, thảm cảnh đau thương của loài cá bò hòm tại biển Thuận Quý sẽ được lặp lại tại vịnh Nha Trang. Khi ấy, mọi nuối tiếc, nỗ lực “cấp cứu” e đã quá muộn

Theo Baomoi

Cùng Chuyên Mục
Bài Viết Trước
Bài Viết Sau