Xem Nhiều 3/2024 # Bí Quyết Kinh Doanh Tiệm Ăn Của Cô Kim # Top Yêu Thích

Sau một thời gian vắng bóng cùng với biến cố nợ nần của gia đình, diễn viên điện ảnh Kim Thư đang hằng ngày thức dậy từ 4h sáng đế nấu nướng cho tiệm ăn riêng ở góc đường Pasteur – Võ Văn Tần, TP HCM.

Trái với hình ảnh thường xuất hiện trước công chúng, Kim Thư mặc một chiếc áo thun đơn giản, kèm đôi dép xẹp để tiện chạy ra chạy vào hỏi han khách hàng.

Với cá tính “chăm sóc gia đình như một người đàn bà, và làm việc như một người đàn ông”, cô đang cố gắng tìm mọi cách vực dậy kinh tế gia đình để ba mẹ con thoát khỏi khủng hoảng.

“Thời gian đó, tôi không cho phép mình uỷ mị, khóc lóc vì tôi còn 2 đứa con cần chăm sóc. Đóng phim thì tôi vô cùng e ngại, còn đi làm cho các công ty thì tinh thần lại không tập trung được để hết lòng vì công việc và tiền lương chưa chắc  đủ  trang trải cuộc sống. Trong lúc như bị đập đầu xuống đất và bật máu, tôi đã nghĩ đến hình ảnh của những người mẹ buôn gánh bán bưng chăm chỉ, kiên nhẫn và tự nhủ chỉ cần có lòng tin cùng sự cố gắng thì mọi chuyện sẽ ổn”, Kim Thư tâm sự. Cũng chính lúc này, cô nhận ra mình rất thích nấu ăn. Máu kinh doanh  sẵn có cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, Thư quyết định mở tiệm ăn Kim Foodcourt.

Kim-Thu-settop-JPG_1408619334.jpg?w=600
Khác với việc quản lý Nhà hàng Biển Nhớ trước đây, Kim Thư đang hàng ngày tự nấu ăn và có lúc còn đi giao hàng  cho khách

Từng điều hành nhà hàng Biển Nhớ có vốn đầu tư cả chục tỷ đồng, giờ đây Kim Thư dè chừng và thận trọng hơn. Cô rút mình trong không gian kinh doanh chỉ tầm 60m2, nhưng được bài trí theo kiểu gia đình với những tông màu ấm cúng. Khi được hỏi tại sao quán lại tên Kim mà không phải Kim Thư – cái tên nổi tiếng trong làng giải trí, nữ diễn viên chia sẻ: “Tôi mong muốn mình kinh doanh như một người bình thường, và khách hàng đến với quán là vì những món do tự tay tôi nấu, từ đó phát triển nó thành một thương hiệu kinh doanh. Tôi không muốn những người khác có ý nghĩ Kim Thư mở nhà hàng để chỉ tay 5 ngón”.

Những quán ăn qua tay Kim Thư trước đây thành công một phần do thói quen luôn quan sát và ý tưởng lạ đến từng chi tiết nhỏ. Xuất phát từ nguyên tắc người Việt Nam dù thích ăn pizza hay gà rán đến đâu, cũng không thể thiếu đi những bữa cơm gia đình với những món ăn đơn giản nhưng mang hương vị quê hương. Cô đã nảy ra ý nghĩ kinh doanh món ăn nhanh Việt Nam.

Khi nói đến đây, nhiều người sẽ nghĩ đến gà rán, pizza hay hamburger…, nhưng Kim Thư đang dần định nghĩa lại cụm từ “thức ăn nhanh”.

Để khách hàng khi ăn món ăn mình nấu đều cảm nhận được mùi vị quen thuộc ở gia đình, Thư chủ trương món ăn trong quán hoàn toàn thuần Việt, ít dầu mỡ, đa dạng  vùng miền. Gọi là “thức ăn nhanh” vì từ món khô đến món nước đều được mang ra trong tích tắc và ở trong tình trạng nóng hổi mà vẫn giữ được độ tươi. Để đáp ứng tiêu chí này, Thư tổ chức bếp nấu trước nhiều món, đầu tư một hệ thống làm nóng cách thuỷ để thức ăn luôn được hâm nóng. Chưa hết, lò vi sóng, máy nướng cũng được trang bị đầy đủ tại bàn bếp của tiệm.

Vì diện tích quán không lớn, Kim Thư tổ chức thêm dịch vụ giao nhận đồ ăn trong nội thành. Thư giải thích: “Nhiều người có hôm thích ăn bún hay xôi buổi trưa, mà ăn có một chút chẳng lẽ lại tự nấu, hay lại đi xa, nên nếu có một hình thức gọi những món ăn như thế giao đến tận văn phòng hay nhà riêng thì còn gì bằng”. Tuy mới, nhưng hình thức này của Kim Thư được nhiều người ủng hộ, có những hôm nhân viên giao hàng không kịp, bà chủ quán cũng dắt xe máy để đi giao đồ ăn.

Không được đào tạo bài bản trong nấu nướng và trang trí đồ ăn, Thư thẳng thắn cho biết học từ người này, người kia một ít. Khi ăn một món mới, cô thường để ý đến mùi vị, nếu thấy ngon sẽ bắt đầu mon men hỏi người nấu bí quyết. Nhiều người bạn làm trong nhà hàng cũng không ngần ngại chia sẻ cách nấu những món lạ để  Thư lấy đó làm nên một cuốn thực đơn phong phú như bây giờ.

Món ăn chính tại quán có giá dao động từ 55.000 đến 110.000 đồng. Thư cho biết, lượng khách đến buổi trưa trung bình 30-35 người, giao hàng mỗi ngày 25-30 chuyến, riêng buổi tối ít hơn nhưng doanh thu lại tăng, trung bình mỗi bàn đạt 1-3 triệu đồng.

Đối tượng mà quán Kim Foodcourt nhắm đến là những người ở xa nhà và muốn ăn những món ăn gia đình, có thu nhập trung bình 7 – 10 triệu đồng/tháng. Với đối tượng đó, địa điểm đặt quán là yếu tố vô cùng quan trọng, vì phải làm sao cho tiện và có nhiều người qua lại. Sở dĩ cô chọn tiệm đầu tiên ở Pasteur vì gần trường đại học, công ty. Các giảng viên của trường và nhân viên văn phòng là những khách quen của quán. Chưa kể, khi quán bắt đầu có thương hiệu và dần được nhiều người ủng hộ, Kim Thư sẽ đầu tư thêm ở những con đường trung tâm Sài Gòn.

Đã trải qua hết cung bậc giàu sang, vất vả, giờ đây Kim Thư đang dần học được chữ nhẫn trong cuộc sống và kinh doanh. Cô cho biết đã có người ngỏ ý mua lại thương hiệu Kim Foodcourt, nhưng cô không hấp tấp đồng ý ngay vì muốn xây dựng nền móng vững chắc cho mình và thương hiệu. Thậm chí, có đối tác mở lời mời hợp tác ở một thành phố khác, trong đó họ sẵn sàng miễn tiền thuê mặt bằng, nhưng xác nhận mình chưa đủ mạnh nên Thư quyết định buông tay với cơ hội này. Tuy nhiên, cô khẳng định, khi đã xây dựng thương hiệu đủ vững và vừa vặn, sẽ không ngại việc nhân rộng và nghĩ đến mô hình nhượng quyền như nhiều thương hiệu ẩm thực đã làm trước đó.

Ngọc Trần

Cùng Chuyên Mục
Bài Viết Trước
Bài Viết Sau